Ý nghĩa của ngày Pháp luật Việt Nam 9/11
Mục lục
Trong đời sống xã hội hiện nay, pháp luật đóng vai trò rất quan trọng. Không chỉ là công cụ quản lý Nhà nước mà còn tạo lập hành lang pháp lý, góp phần tạo ra một xã hội văn minh, tiến bộ. Do đó, ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 đã trở thành sự kiện trọng đại, nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật với những ý nghĩa lớn lao.
1. Lịch sử ra đời ngày Pháp luật Việt Nam 9/11
Từ năm 2013, ngày 9/11 được ghi nhận là ngày pháp luật Việt Nam với nhiều hoạt động quan trọng diễn ra như tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân,… Điều này nhằm nâng cao ý thức của đại đa số nhân dân về việc tuân thủ, chấp hành đúng với các quy định của pháp luật.
Đồng thời, trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cũng có quy định về vấn đề này, lấy ngày 9/11 hằng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Điều 8 của Luật này cũng khẳng định, ngày 9 tháng 11 được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
2. Lý do về sự ra đời của ngày Pháp luật Việt Nam
Trước khi bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời, nước ta đã có 04 bản Hiến pháp. Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp 1946, nước ta đã có Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và cho đến bây giờ là Hiến pháp 2013 đang còn hiệu lực.
Mặc dù trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, nhưng những tư tưởng, giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, mô hình tổ chức Nhà nước vẫn trở thành tinh thần chung trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, 9/11 ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đã được luật hóa trong Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
3. Ngày pháp luật Việt Nam 9/11 được tổ chức như thế nào?
Theo Điều 6 Nghị định 28/2013/NĐ – CP quy định ngày 9 tháng 11 hay còn gọi là ngày Pháp luật được tổ chức dưới các hình thức sau đây:
“2. Ngày Pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức sau đây:
a) Mít tinh; hội thảo; tọa đàm;
b) Thi tìm hiểu pháp luật;
c) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm;
d) Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp”.
Như vậy, theo thông lệ hàng năm, ngày Pháp luật tiếp tục được tổ chức với các hoạt động chủ yếu như vận động nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tuyên truyền phổ biến, gắn pháp luật với đời sống nhân dân,… Điều này đã góp phần làm nên sự hưởng ứng lớn lao trong toàn thể nhân dân Việt Nam.
4. Ý nghĩa của ngày Pháp luật Việt Nam 9/11
Ngày 9/11 được đánh giá là một sự kiện pháp lý quan trọng – ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, ngày này đã đem lại ý nghĩa rất lớn lao, không chỉ đối với bộ máy Nhà nước mà còn tác động đến đại đa số tầng lớp nhân dân.
Thông qua ngày Pháp luật, mọi cá nhân, tổ chức đều có ý thức tuân thủ các quy định pháp luật tốt hơn. Ngày 9 tháng 11 cũng là dịp để đánh giá những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật sẽ có cơ hội nhận được những thông tin, quan điểm phản ánh chân thực nhất về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội.
Từ đây, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. nâng cao hoạt động quản lý Nhà nước bằng Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, ngày 9/11 còn đề cao giá trị pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhằm hướng các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực, ứng xử đúng đắn với các quy định pháp luật. Qua đó cũng đề cao quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong quá trình học tập và chấp hành pháp luật.
5. Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức như thế nào?
Tổ chức, tuyên truyền và phổ biến pháp luật đem lại mục đích cũng như ý nghĩa vô cùng lớn lao. Do đó, để hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam trong năm 2022, đã có kế hoạch tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày pháp luật nước Việt Nam 2022 theo Quyết định số 1908/QĐ – HĐPH. Theo đó, chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương với các nội dung đã được xác định trong Quyết định 1521/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiệm vụ chính của ngày 9 tháng 11 (ngày Pháp luật Việt Nam) 2022 sẽ là tổ chức phổ biến nội dung cơ bản của luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành có hiệu lực từ năm 2021. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các vấn đề gắn với Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng như văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ.
Ngoài ra, để kỷ niệm sự kiện quan trọng ngày 9 tháng 11, cần phải tăng cường giáo dục ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ pháp luật. Việc làm trên sẽ được tổ chức thường xuyên và tập trung trong tháng cao điểm bắt đầu vào khoảng thời gian từ 15/10/2022 đến ngày 15/11/2022.