3 nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm ma túy
Tội phạm ma túy đang là hiểm hoạ của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội khác và lây nhiễm HIV/AIDS. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tệ nạn này bao gồm:
Thứ nhất, nguyên nhân từ bản thân người nghiện
Theo nghiên cứu cho thấy, tội phạm ma túy là những người có lòng tự trọng thấp, tính tự kiềm chế kém, thích phiêu lưu, ưa cảm giác mạnh, thiếu bản lĩnh trong cuộc sống. Nếu không may gặp những yếu tố khách quan tác động, họ rất dễ sa ngã vào con đường phạm tội ma túy.
Ngoài ra, do nhiều người còn thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy nên dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ dùng thử ma túy cho dù chỉ thử một lần nhưng vẫn bị nghiện ma túy. Sau đó vì sỉ diện cá nhân, vì danh dự gia đình, dòng tộc mà bưng bít, giấu kín nhưng đã “đâm lao thì phải theo lao” từ nghiện nhẹ đến nghiện nặng.
Thứ hai, nguyên nhân từ môi trường sống (gia đình, xã hội, nhà trường)
Đầu tiên, về phía gia đình – tế bào của xã hội. Gia đình là nơi đứa trẻ sinh ra và lớn lên, vì vậy môi trường cuộc sống gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển tâm lý cũng như nhân cách của trẻ. Sự buông lỏng quản lý, ít quan tâm đến con cái hay nuông chiều thái quá và không khí gia đình luôn căng thẳng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đứa trẻ tiếp cận với ma tuý và trở thành kẻ nghiện ma tuý.
Những gia đình không may có bố mẹ chết hoặc chỉ có bố hoặc chỉ có mẹ, bố mẹ ly dị, sống trong cảnh dì ghẻ, bố dượng…thiếu người chăm sóc, giáo dục dễ dàng bị bọn xấu rủ rê. Những gia đình điều kiện kinh tế khá giả mà nuông chiều thái quá để cho con em mình có điều kiện giao du, chơi bời quá trớn cũng rất dễ bị mắc nghiện.
Hai là, về phía Nhà trường. Đây là môi trường có tác dụng to lớn đến sự hình thành nhân cách của các em. Tuy nhiên, nhiều nơi nhà trường cũng có những yếu kém, sai lầm góp phần làm gia tăng tệ nạn ma tuý trong học sinh, ở nhiều trường các tổ chức đoàn, đội chưa thực sự là nơi để các thành viên trao đổi với nhau các quan điểm về cuộc sống, về hoài bão, về tâm tư, nguyện vọng để hoàn thiện bản thân. Tổ chức và kỷ luật của Đoàn, của Đội còn lỏng lẻo, mang nặng hình thức, thành tích mà lẩn tránh các vấn đề gai góc trong học sinh hiện nay như hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, học sinh với các tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, cờ bạc…) Điều này sẽ dẫn các em đến hoạt động tiêu cực, tụ tập chơi bời từ đó dễ bị tệ nạn ma tuý lôi kéo, quyến rũ.
Ba là, về phía xã hội. Xã hội còn thiếu ”sân chơi” lành mạnh, nếu muốn giải trí các em phải tìm đến các địa điểm tự do mà ở đó có nhiều kẻ tội phạm ma túy không từ một thủ đoạn nào để lôi kéo các em sa ngã đi vào con đường giống mình…
Thứ ba, sự tuyên truyền còn hạn chế, phối hợp phát hiện người nghiện còn chưa hiệu quả. Nhiều cơ quan chức năng chưa kiểm tra để xử lý kịp thời các trường hợp có biểu hiện nghiện ma túy, đồng thời chưa thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ma túy đến từng gia đình, từng cộng đồng thôn xóm, làng, xã khu phố và đến từng công dân. Có thể thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại hậu quả của ma túy còn chưa đủ mạnh, chưa sâu, nặng về hình thức mà chưa gắn với hoạt động thực tế. Do vậy, vẫn còn không ít người chưa nhận thức và hiểu biết được tác hại của ma túy.
Phòng ngừa tội phạm ma túy không những là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng Công an – Viện kiểm sát – Tòa án, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của nhiều cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân. Mỗi người cần nâng cao nhận thức về tác hại của các loại ma túy, đề cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn của loại tội phạm này.