Giết người rồi lấy tài sản phạm tội gì?
Mục lục
Hiện nay nhiều vụ án diễn ra theo trình tự như sau: do mâu thuẫn dẫn đến giết người, sau đó nổi lòng tham lấy luôn tài sản của nạn nhân. Những tình huống này Tòa án thường tuyên tội Giết người và Tội cướp tài sản. Nhưng thực tế giết người rồi lấy tài sản phạm tội gì vẫn còn nhiều tranh cãi. Cùng chúng tôi tìm hiểu Giết người rồi lấy tài sản phạm tội gì?
1. Giết người rồi lấy tài sản phạm tội gì?
Đối với hành vi giết người không có gì tranh cãi bởi chỉ cần đủ các dấu hiệu định danh tội phạm là có thể kết tội giết người.
Những dấu hiệu định danh tội phạm như sau:
- Mặt khách quan của tội giết người là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác nhằm chấm dứt sự sống của họ. Hành vi này được thực hiện dưới dạng hành động như đâm, chém, bắn,…
- Ngoài ra, hành vi này còn được thực hiện dưới dạng không hành động. Đó là những trường hợp chủ thể có nghĩa vụ phải hành động, phải làm những việc nhất định để đảm bảo tính mạng cho người khác nhưng họ lại không thực hiện, ví dụ như không cứu người bị nạn;
- Mặt chủ quan của tội giết người được thể hiện qua yếu tố lỗi của chủ thể và được xác định là lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Trong đó, lỗi cố ý trực tiếp là khi người phạm tội đã thấy trước được hậu quả xảy ra nhưng mong muốn đạt được hậu quả đó nên đã thực hiện hành vi phạm tội;
- Còn trường hợp lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội nhận thức rõ được hành vi của mình có khả năng gây nguy hiểm, thấy trước hậu quả xảy ra nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả;
- Hậu quả của tội phạm chỉ được xác định là gây ra cái chết cho người khác. Do đó, họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội hoàn thành và bản thân người thực hiện là nguyên nhân gây ra hậu quả đó;
- Chủ thể có thể là bất kỳ ai, nhưng phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người đủ 14 tuổi trở lên, vì tội giết người là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với hành vi lấy tài sản sau khi thực hiện hành vi giết người vẫn còn nhiều tranh cãi. Tòa án thường tuyên Tội cướp tài sản tuy nhiên có những bất cập như sau:
– Nếu truy tố tội cướp tài sản thì hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực cho tới khi nạn nhân không thể phản kháng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên thực tế tình huống giết người rồi lấy tài sản việc dùng vũ lực dẫn đến gây ra cái chết cho nạn nhân không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích giết người.
– Nếu truy tố tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản thì phải là hành vi công khai lấy tài sản của người khác trước sự chứng kiến của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản mà không cần dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực hay bất cứ sự uy hiếp nào.
Hành động này thể hiện ở việc người phạm tội không hề che giấu hành vi của mình. Người quản lý và chủ sở hữu biết, chứng kiến nhưng không thể ngăn cản hay làm gì để ngăn cản. Đối với tình huống giết người rồi lấy tài sản, việc nạn nhân đã chết thì không thể chứng kiến hành vi chiếm tài sản. Vì vậy không thể xem là tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản.
– Nếu truy tố tội Trộm cắp tài sản. Hành vi trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản một cách lén lút, không để cho chủ sở hữu biết được hành vi chiếm đoạt tài sản này của mình.
Trong tình huống này việc truy tố tội danh này có thể là hợp lý bởi vì khi nạn nhân chết, tài sản sẽ chuyển giao cho bên người thừa kế. Thủ phạm đã lợi dụng việc chủ sở hữu chưa biết và chưa thể quản lý tài sản của mình nên đã lén lút chiếm đoạt tài sản của họ.
2. Hình phạt hành vi giết người rồi lấy tài sản
Đối với hành vi giết người, khung hình phạt như sau:
– Khung 1: Mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hay tử hình nếu thuộc các trường hợp sau:
- Giết 02 người trở lên;
- Giết người dưới 16 tuổi;
- Giết phụ nữ mà biết là có thai;
- Giết người đang thi hành công vụ hay vì lý do công vụ của chính nạn nhân;
- Giết người thân như ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy cô giáo của mình;
- Giết người mà liền trước đó hoặc sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác;
- Giết người nhằm thực hiện hoặc che giấu một tội phạm khác;
- Giết người với mục đích lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
- Thực hiện hành vi phạm tội một cách man rợ, có tính chất côn đồ, có tổ chức;
- Thực hiện hành vi phạm tội bằng cách lợi dụng nghề nghiệp hay bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
- Thuê giết người hoặc thực hiện giết người thuê;
- Tái phạm nguy hiểm, vì động cơ đê hèn.
– Khung 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Trường hợp này là tội phạm giết người không có những tình tiết định khung tăng nặng như trên.
– Khung 3: Mức phạt tù từ 01 đến 05 năm cho những người chuẩn bị phạm tội
– Tội giết người còn áp dụng các hình phạt bổ sung như: Bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm – 05 năm; Phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm – 05 năm.
Nếu truy tố tội Cướp tài sản thì khung hình phạt sẽ là:
– Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
– Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
- Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tái phạm nguy hiểm.
– Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Nếu bị truy tố tội trộm cắp tài sản thì khung hình phạt sẽ là: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, phạt tù từ 07 năm đến 15 năm, phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.