Việc thu thập, giao chứng cứ, tài liệu của luật sư bào chữa
Thu thập, giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa là một trong những quyền quan trọng của luật sư bào chữa. Bởi lẽ, những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đó sẽ là căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét và đưa ra phán quyết về tội phạm, hình phạt.
Quyền thu thập, giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa được quy định tại Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Trong đó, luật sư bào chữa được thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa theo quy định pháp luật.
Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 88 Bộ luật này quy định rõ: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa”.
Như vậy, trước hết, pháp luật cho phép luật sư bào chữa được quyền tự mình áp dụng cách thức thu thập chứng cứ, tài liệu như trên. Tuy nhiên, không phải khi nào Luật sư cũng có thể thu thập được qua cách thức này và do đó, tại Khoản 3 Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định: “Trường hợp không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa thì người bào chữa có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập”.
Khi thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, Luật sư phải kịp thời giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở mỗi giai đoạn tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án. Lưu ý rằng vì các chứng cứ, tài liệu, đồ vật được xem xét, đánh giá bởi cơ quan tiến hành tố tụng nên cần phải được xem xét cẩn thận, giao nộp kịp thời, tránh trường hợp kéo dài thời gian xét xử, gây bất lợi cho người bị buộc tội.
Việc giao, nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó, Biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ; có chữ ký của những người tham gia và những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ.
Mỗi chứng cứ đều được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Điều này có nghĩa là chứng cứ do luật sư bào chữa thu thập, giao nộp sẽ được xem xét, đánh giá như là chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng hoặc tổ chức, cá nhân khác có quyền thu thập, giao nộp. Vì vậy, việc thu thập, giao nộp chứng cứ, tài liệu, đồ vật của luật sư nếu được thực hiện hiệu quả trên thực tế thì sẽ đảm bảo tốt quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.