Quấy rối tình dục nơi công sở đã được quy định tại Luật Lao động mới
Mục lục
Kính chào văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có vấn đề mong được giải đáp như sau:
Tôi là nam, một nhân viên văn phòng tại một công ty khá lớn. Tại công ty, tôi làm việc trực tiếp với cấp trên là phụ nữ, tuy nhiên trong quá trình làm việc người này thường xuyên có những trao đổi về vấn đề tình dục cũng như có các hành vi sờ mó không phù hợp làm tôi không thoải mái và đôi khi cảm thấy khá sợ hãi. Bạn bè tôi có tư vấn những hành vi này là quấy rối tình dục nơi công sở, tuy nhiên tôi không biết rõ hiện có quy định pháp lý về vấn đề này hay không, nếu có thì có áp dụng khi người bị quấy rối là nam không?
Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và chia sẻ thắc mắc của mình về Phan Law Việt Nam. Đối với trường hợp mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin phép được hỗ trợ giải đáp dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Quấy rối tình dục nơi công sở là gì?
Tại Bộ Luật Lao động 2019, pháp luật đã ghi nhận và định nghĩa cụ thể về hành vi quấy rối tình dục nơi công sở ở khoản 9 Điều 3 như sau:
“Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.”
Quấy rối tình dục là hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động. Mở rộng rộng hơn, quấy rối tình dục có thể được thực hiện dưới các hình thức như:
- Quấy rối bằng lời nói, thông qua trò chuyện, nhắn tin…
- Quấy rối bằng hành động, hoạt động thể chất như đụng chạm, sờ mó, cầm nắm, tiếp xúc…
- Quấy rối thông qua các hành vi phi lời nói: như những biểu hiện ngụ ý từ cơ thể, phô bày các tài liệu khiêu dâm…
Chế tài xử lý hành vi quấy rối tình dục nơi công sở
Như pháp luật đã quy định, hành vi quấy rối tình dục nơi công sở có thể xảy ra đối với cả nam lẫn nữ. Tuy hành vi này vẫn chưa đủ yếu tố để cấu thành nên một loại tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự, những vẫn sẽ bị xử lý bằng biện pháp hành chính.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Ngoài ra, nếu hành vi quấy rối ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người bị quấy rối; tùy theo trường hợp cũng như mức độ vi phạm, người quấy rối có thể bị khép vào tội “làm nhục người khác”.