Các loại tội phạm môi trường
Vấn đề ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn nạn của cả nhân loại. Riêng ở Việt Nam, thực trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động gây nạn sa mạc hóa; ô nhiễm đất, nước và không khí; hiệu ứng nhà kính, v.v. Trong đó, con người là tác nhân chủ yếu gây môi nhiễm môi trường. Nhóm tội phạm môi trường này có tính chất đặc biệt nguy hiểm cần phải có những chế tài hình sự riêng đối với hành vi này.
Các tội phạm môi trường là nhóm tội có hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS Việt Nam, xâm hại tới các quan hệ xã hội về giữ gìn môi trường trong sạch, sử dụng hợp lý những tài nguyên của nó và đảm bảo an toàn môi trường cho dân cư.
Nhóm tội phạm môi trường được quy định tại chương XVII: các tội phạm về môi trường, bao gồm 10 tội danh:
- Tội gây ô nhiễm không khí (Điều 182)
- Tội gây ô nhiễm nguồn nước (Điều 183)
- Tội gây ô nhiễm đất (Điều 184)
- Tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường (Điều 185)
- Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186)
- Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 187)
- Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188)
- Tội huỷ hoại rừng (Điều 189)
- Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm (Điều 190)
- Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 191)
Các tội phạm về môi trường có thể được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn và bảo vệ môi trường. Các hành vi tội phạm về môi trường rất đa dạng: gây ô nhiễm môi trường, huỷ hoại tài nguyên môi trường, không thực hiện quy tắc bảo vệ môi trường, gây dịch bệnh v.v.
Nhóm các tội phạm môi trường lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật hình sự 1999 khá đầy đủ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc khởi tố các hành vi phạm tội trong lĩnh vực môi trường rất ít dù hành vi phạm tội thuộc dạng này cũng có xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội. Chỉ có hai tội phạm thường bị truy cứu là: tội huỷ hoại rừng (Điều 189) và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm (Điều 190). Thực tế này cho thấy, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến các tội phạm về môi trường.
Hy vọng việc xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường nói chung và các tội phạm môi trường nói riêng sẽ có chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau một số các vụ gây ô nhiễm nguồn nước gây bức xúc dư luận trong thời gian gần đây.