Hành vi xâm phạm quyền tác giả
Quyền tác giả đặt ra cơ chế bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật nhằm ghi nhận sự sáng tạo của tác giả và đảm bảo độc quyền khai thác, sử dụng tác phẩm của chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, để thực thi và bảo vệ quyền tác giả trên thực tế không phải là dễ. Rất nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả đã xảy ra trên nhiều lĩnh vực xuất bản, truyền hình, âm nhạc, mỹ thuật… Và đặc biệt, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các hành vi xâm phạm diễn ra một cách phổ biến và tinh vi hơn.
Các hành vi xâm phạm quyền tác giả được cụ thể hóa trong quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009. Bất cứ cá nhân, tổ chức nào thực hiện một trong các hành vi được quy định tại điều luật này trước hết sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013. Theo đó, Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định biện pháp xử phạt chính là phạt tiền và một số biện pháp khắc phục hậu quả, tùy vào hành vi xâm phạm như: Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm; Buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả; Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm trên môi trường mạng và kỹ thuật số; Buộc hoàn trả cho chủ sở hữu quyền tác giả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Không dừng lại ở đó, các hành vi xâm phạm quyền tác giả, nếu đủ cấu thành tội phạm như quy định tại Điều 225 BLHS 2015 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 225 BLHS 2015 quy định:
“ 1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả… mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả … đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả … từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm,…;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, ….;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Một trong những dấu hiệu cơ bản để xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự chính là quy mô thương mại của hành vi, hoặc khoản thu lợi bất chính, khoản thiệt hại, khoản giá trị của hàng hóa vi phạm mà hành vi xâm phạm quyền tác giả gây ra.
Đó là đối với chủ thể xâm phạm là cá nhân. Còn nếu chủ thể xâm phạm là pháp nhân thì Khoản 4 Điều 225 BLHS 2015 quy định mức phạt tương ứng với các hành vi như sau:
“a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Hành vi xâm phạm quyền tác giả, không chỉ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mà về lâu dài, nó còn ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của nước nhà và khả năng tiếp cận các tác phẩm của cộng đồng dân cư. Vì vậy, hành vi này cần được phát hiện và xử lý nghiêm minh.