Buôn lậu gì là vi phạm pháp luật?
Gần đây, tội phạm buôn lậu đang diễn ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nền kinh tế và an ninh, trật tự xã hội. Đây là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới xâm phạm chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước.
Theo Điều 153 BLHS 1999 quy định về đối tượng của tội buôn lậu như sau:
“1. Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này;
b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá;
c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này.”
Do đó, đối tượng của tội buôn lậu là: hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá và hàng cấm. Cụ thể:
- Hàng hoá là vật phẩm được làm ra trong qua trình sản xuất, có giá trị và được đem trao đổi trong thị trường. VD: buôn lậu thuốc lá, hàng điện tử,…
- Tiền Việt Nam bao gồm tiền, ngân phiếu, trái phiếu và các loại thẻ tín dụng hoặc giấy tờ khác có giá trị thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
- Ngoại tệ là đồng tiền của nước ngoài dùng cho việc thông thương và mậu dịch.
- Kim khí quý gồm: Vàng, bạc, bạch kim…
- Đá quý gồm: Kim cương, Rubi, Saphia, Emôrot và những đá quý tự nhiên khác có giá trị tương đương.
- Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá bao gồm: tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá được lưu giữ bảo quản tại các di tích, bảo tàng, nhà lưu niệm danh nhân; tài liệu về cơ sở sinh vật học, nhân chủng học, hiện vật khảo cổ học bằng mọi chất liệu, mọi loại hình; bia ký, gia phả, tiền cổ…v.v… do Nhà nước quy định.
- Hàng cấm là những mặt hàng mà Nhà nước cấm kinh doanh, sản xuất, lưu hành, sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam, như: vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng và phương tiện kỹ thuật chuyên dùng của lực lượng vũ trang; các sản phẩm văn hoá phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục nhân cách; các loại pháo; các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người và gia súc, thuốc bảo vệ thực vật và các loại trang thiết bị, dụng cụ y tế chưa được phép sử dụng tại Việt nam; thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục công ước quốc tế và các loại động thực vật quý hiếm khác cần được bảo vệ; một số đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khoẻ của trẻ em hoặc tới an ninh trật tự an toàn xã hội…
Trong một số trường hợp, nếu cần phải trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định để xác định chính xác đối tượng của tội buôn lậu.