Mời luật sư bào chữa trong các vụ án có thật sự cần thiết?
Mục lục
Khi không may vướng vào bất kỳ vụ án hình sự nào, bạn cũng đều không thể bỏ qua việc mời luật sư bào chữa cho mình. Đây là một trong những “công cụ pháp lý” hiệu quả nhất để đảm bảo cho các quyền và lợi ích của bạn trong suốt quá trình tố tụng xử lý vụ án hình sự. Tìm hiểu rõ hơn về vai trò cũng như cách thức đề nghị luật sư hỗ trợ bào chữa ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Chủ thể nào có thể là người bào chữa?
Quyền được bào chữa là một trong những nguyên tắc tôn chỉ trong hoạt động tố tụng hình sự . Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản kết tội từ Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Theo quy định tại Điều 72 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, người bào chữa được hướng dẫn như sau:
“1. Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.
2. Người bào chữa có thể là:
a) Luật sư;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Bào chữa viên nhân dân;
d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
3. Bào chữa viên nhân dân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
4. Những người sau đây không được bào chữa:
a) Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;
b) Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
c) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
5. Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau.
Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội.”
Tại sao cần luật sư bào chữa?
Quyền được bào chữa là một trong những nguyên tắc tôn chỉ trong hoạt động tố tụng hình sự. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản kết tội từ Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Việc mời luật sư đại diện và bào chữa cho người bị buộc tội trong vụ án hình sự sẽ hỗ trợ họ:
Bảo vệ thân chủ tránh các trường hợp vi phạm thủ tục tố tụng: Trong quá trình tạm giữ, tạm giam để điều tra, luật sư sẽ được tham gia để đảm bảo các hoạt động này diễn ra đúng theo trình tự tố tụng mà pháp luật quy định. Đảm bảo an toàn, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ trong giai đoạn này.
Hỗ trợ tâm lý cho thân chủ: Luật sư sẽ là cầu nối giữa thân chủ và gia đình, những người quan trọng bên ngoài của thân chủ. Giúp thân chủ ổn định tâm lý và giải thích chi tiết, hướng dẫn cho họ những việc cần thực hiện để có thể bảo vệ mình.
Hỗ trợ thu thập chứng cứ: Luật sư góp phần tích cực vào việc giúp cơ quan điều tra thu thập chứng cứ của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Tham gia bào chữa, phản biện trực tiếp tại buổi xét xử để bảo vệ tối đa các quyền lợi của thân chủ: Luật sư được phép tranh tụng tại Tòa án để làm rõ vụ án, dùng những lời lẽ, dẫn chứng thuyết phục kết hợp với những tình tiết chứng cứ nhằm mục đích giảm hình phạt liên quan đến thân chủ, đòi lại quyền lợi đã mất góp phần đưa ra bản án đối với đúng người, đúng tội.