Quy định của pháp luật về khám nghiệm tử thi
Khám nghiệm tử thi (còn gọi là giảo nghiệm) là một phương thức phẫu thuật chuyên môn cao nhằm xét nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết và đánh giá xem có sự tồn tại của bệnh tật hay chấn thương nào trong tử thi hay không.
Vậy, khám nghiệm tử thi được quy định như thế nào trong pháp luật hình sự?
Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lí
Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì:
“1. Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến.
Trước khi khám nghiệm tử thi, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm soát việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.
Giám định viên kỹ thuật hình sự có thể được mời tham gia khám nghiệm tử thi để phát hiện, thu thập dấu vết phục vụ việc giám định.
Khi khám nghiệm tử thi phải tiến hành chụp ảnh, mô tả dấu vết để lại trên tử thi; chụp ảnh, thu thập, bảo quản mẫu vật phục vụ công tác trưng cầu giám định; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm tử thi được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.
Trường hợp cần khai quật tử thi thì phải có quyết định của Cơ quan điều tra và thông báo cho người thân thích của người chết biết trước khi tiến hành. Trường hợp người chết không có hoặc không xác định được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi chôn cất tử thi biết”.
Như vậy, khám nghiệm tử thi trong tố tụng hình sự là một trong những hoạt động trong quá trình điều tra nhằm phát hiện dấu vết tội phạm trên thân thể người chết. Việc khám nghiệm tử thi do Điều tra viên tiến hành và phải có sự kiểm sát của Kiểm sát viên.


Nội dung
Khi Điều tra viên khám nghiệm tử thi hoặc khai quật tử thi phải có người chứng kiến. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, có thể mời thêm Giám định viên kỹ thuật hình sự tham gia.
Việc khai quật tử thi phải có quyết định của Cơ quan điều tra và phải được thông báo cho gia đình nạn nhân biết trước khi tiến hành.
Trong mọi trường hợp, Viện kiểm sát phải được thông báo trước về việc khám nghiệm tử thi cùng thông tin về thời gian và địa điểm để cử Kiểm sát viên giám sát việc này.
Toàn bộ quá trình khám nghiệm tử thi phải được lập thành biên bản. Sau đó, Biên bản phải được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án
Ta thấy rằng, kết quả của công tác khám nghiệm tử thi có ý nghĩa rất quan trọng và trong một số trường hợp còn mang tính quyết định trong quá trình giải quyết đối với các vụ án giết người, cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, và trong một số trường hợp khác.