“Cưỡng hôn” và hình thức xử phạt
Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn trên cơ sở tự nguyện yêu thương, đùm bọc, che chở cho nhau. Kết hôn phải trên cơ sở tự nguyện, nghiêm cấm hành vi cưỡng hôn (Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014). Nhưng hiện nay, tình trạng “cưỡng hôn” (hay gọi đầy đủ là “cưỡng ép kết hôn”) vẫn còn diễn ra rất phổ biến.
- Thế nào là tội cưỡng hôn?
Theo khoản 9 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.
Theo quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 thì:
“ Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ […] bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”
Theo đó, cưỡng ép kết hôn, được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác để buộc người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ.
- “ Cưỡng hôn” bị xử phạt thế nào?
Người có hành vi “ cưỡng hôn” sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 55 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, người có hành vi cưỡng ép người khác kết hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Trường hợp người đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi sau đây :
- Hành vi cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ
- Hành vi cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ
- Hành vi cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác
Sau đó, khi chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính mà lại thực hiện chính hành vi đó hoặc thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Trước đó Nguyễn Đức A đã bị xử phạt hành chính về hành vi cưỡng ép kết hôn, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính mà lại thực hiện hành vi cưỡng hôn.
Ví dụ: Trước đó Trần Thị B đã bị xử phạt hành chính về hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ , chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính lại thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn;
Như vậy, “cưỡng hôn” là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật tùy theo từng trường hợp.