Các loại hình thức sở hữu
Các quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015 đã tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể thực hiện các giao dịch cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của mình, một trong những nội dung không thể thiếu đó là quy định về hình thức sở hữu.
Hình thức sở hữu là gì?
Hình thức sở hữu được hiểu là cách thức chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản trong một chế độ sở hữu.
Tương ứng với mỗi hình thức sở hữu có những đặc trưng riêng, có chủ sở hữu nhất định, cách thức thực hiện các quyền năng khác nhau. Vì vậy pháp luật có những quy định riêng phù hợp với từng hình thức cụ thể, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định có ba loại hình thức sở hữu, đó là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung.
Nội dung cơ bản của các hình thức sở hữu theo quy định pháp luật
Sở hữu toàn dân là tài sản thuộc sở hữu chung của toàn dân, toàn dân ủy quyền cho nhà nước quản lý tài sản của họ, nhà nước quản lý tài sản theo nguyện vọng, lợi ích của toàn dân. Nhưng việc thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt những loại tài sản đó phải tuân theo quy định của pháp luật. Các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân bao gồm đất đai; tài nguyên nước, khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc pháp nhân, tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về giá trị và số lượng. Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng định đoạt của mình nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái với quy định pháp luật. Việc thực hiện quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng không được ảnh hưởng hoặc gây hại đến lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, dân tộc, quốc gia…
Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản, bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Quyền sở hữu chung được các chủ thể xác lập theo sự thỏa thuận và tuân theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán. Đối với sở hữu chung theo phần thì mỗi chủ sở hữu chỉ có quyền và nghĩa vụ tương ứng với số tài sản của mình trong số tài sản chung nếu không có thỏa thuận gì khác. Đối với tài sản chung hợp nhất thì quyền và nghĩa vụ đối với tài sản của các chủ sở hữu đều ngang nhau.
Việc phân chia các hình thức sở hữu như trên sẽ giúp Nhà nước quản lý thống nhất tài sản và gắn liền với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ với các chủ thể khi sở hữu tài sản.