Hành vi ”giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” là thế nào?
Vụ án Nguyễn Văn Nam (SN 1958, ngụ quận Gò Vấp,TP.HCM) chém chết con rể rồi chở xác đi đầu thú đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Ngày 14/06/2017, Tòa án đã tuyên Nguyễn Văn Nam 2 năm 6 tháng tù về hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Đây là trường hợp giết người do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội.
Hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được quy định tại Điều 125 BLHS 2015 như sau:
“1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.”
Do đó, người phạm tội là người đang trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây ra cho chính họ hoặc cho người thân thích của họ.
Ví du: A và đồng bọn xông vào nhà đánh tới tấp vào mẹ của B. B đang chặt cây thì có người gọi: “về nhà ngay! mẹ của B bị đánh sắp chết rồi”. B vội cầm dao chạy về thì thấy A đang đạp tới tập vào mẹ mình. B tức quá liền cầm dao chém liên tiếp vào đầu làm A chết tại chỗ.
Dấu hiệu nhận biết của hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh ở chỗ:
Thứ nhất, trạng thái tinh thần của người phạm tội lúc thực hiện hành vi giết người là bị kích động mạnh
Trường hợp người phạm tội có bị kích động về tinh thần nhưng chưa tới mức mất khả năng tự chủ thì không gọi là bị kích động mạnh và không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Trường hợp này, họ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự BLHS 2015.
Thứ hai, nạn nhân phải là người có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng
Thông thường những hành vi trái pháp luật của nạn nhân xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người phạm tội và những người thân thích của người phạm tội, nhưng cũng có một số trường hợp xâm phạm đến tài sản của người phạm tội như: đập phá tài sản, đốt cháy, cướp giật, trộm cắp v.v…
Việc xác định một hành vi trái pháp luật của nạn nhân đã tới mức nghiêm trọng hay chưa cũng phải đánh giá một cách toàn diện. Có hành vi chỉ xảy ra một lần đã là nghiêm trọng, nhưng cũng có hành vi nếu chỉ xảy ra một lần thì chưa nghiêm trọng, nhưng nó được lặp đi lặp lại nhiều lần thì lại thành nghiêm trọng. Ví dụ: Do nghi ngờ chị Hiền ngoại tình nên Việt thường xuyên đánh đập, chửi bới vợ. Chị Hiền do không chịu được dã dọn về ở hẳn cùng cha mẹ. Không đồng ý và nghĩ rằng cha vợ ngăn cản vợ chồng Việt sống chung, nhiều lần anh này gọi điện chửi bới, nhục mạ và đe dọa sẽ giết chết cả gia đình nhà vợ. Khoảng 16h ngày 14/5/2016, anh Việt chạy xe gắn máy đến nhà ông Nam tiếp tục lớn tiếng chửi bới, thách thức và hăm dọa giết cả 8 người trong gia đình. Lúc này, ông Nam ngồi trong nhà nhưng không phản ứng. Đến khoảng 16h45p cùng ngày, khi người con gái khác của ông Nam là chị Nguyễn Thị Ngọc đi làm về thì bị Việt chửi thề và đẩy ngã. Khi cô gái định đứng dậy thì người anh rể vung tay định đánh. Tức giận, ông Nam chạy ra phía sau nhà bếp lấy một con dao chạy ra chém con rể chết tại chỗ. Sau khi gây án, ông Nam lấy xe máy chở xác con rể đến công an đầu thú.
Thứ ba, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần
Ví dụ: anh A đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Được nghỉ phép, anh A về nhà thăm mà không báo trước cho vợ nhằm tạo bất ngờ. Nhưng khi vừa vào đến nhà, anh A thấy vợ mình quan hệ bất chính với người khác. Anh A liền chạy xuống bếp lấy dao đến đâm chết tình nhân của vợ.
Trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nhưng không liên quan đến lỗi của nạn nhân thì không cấu thành tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà cấu thành tội giết người.
Hậu quả bắt buộc của hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là nạn nhân chết. Đây là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật do chính lỗi nạn nhân nên khung hình phạt của tội này được giảm nhẹ so với tội giết người.