Thủ tục đối thoại trong tố tụng hành chính
Mục lục
Đối thoại là một thủ tục trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, việc thực hiện thủ tục đối thoại giúp cho giải quyết vụ án được nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, chi phí và công sức, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động xét xử. Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ trình bày trình tự thủ tục đối thoại trong tố tụng hành chính.
1. Đối thoại trong tố tụng hành chính là gì?
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm trong tố tụng hành chính, Tòa án tiến hành đối thoại nhằm giúp các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không thể tiến hành đối thoại được, vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn được thể hiện được quy định tại các Điều 135, 198 và 246 của Luật này
Những trường hợp không thể tiến hành đối thoại được như sau: “Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt; Đương sự không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng; Các bên đương sự thống nhất đề nghị không tiến hành đối thoại”.
Nguyên tắc của tổ chức đối thoại như sau:
- Bảo đảm công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến của đương sự;
- Không được ép buộc các đương sự thực hiện việc giải quyết vụ án hành chính trái với ý chí của họ;
- Nội dung đối thoại, kết quả đối thoại thành giữa các đương sự không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
2. Trình tự, thủ tục tổ chức đối thoại trong tố tụng hành chính
2.1. Thông báo về phiên họp đối thoại
Điều 136 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định về việc thông báo phiên họp đối thoại như sau: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm thông báo phiên họp đối thoại đến với người có liên quan trong vụ án;
Nội dung thông báo bao gồm thời gian, địa điểm và nội dung của phiên họp đối thoại;
Trường hợp vụ án hành chính không tiến hành đối thoại được theo quy định tại Điều 135 của Luật này thì Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành việc đối thoại.
2.2. Thành phần tham gia phiên họp
Thành phần phiên họp đối thoại được quy định cụ thể tại Điều 137 Luật tố tụng hành chính 2015 gồm có:
- Thẩm phán, chủ trì phiên họp
- Thư ký phiên họp ghi biên bản;
- Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có);
- Người phiên dịch (nếu có).
2.3. Trình tự phiên họp đối thoại
Điều 138 Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định về trình tự thực hiện phiên họp đối thoại như sau:
- Thẩm phán chủ trì phiên họp xác minh sự có mặt của những người tham gia và phổ biến cho tất cả các bên liên quan về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của Luật này.
- Các đương sự trình bày ý kiến bổ sung của mình. Sau khi các đương sự trình bày hết ý kiến của mình, Thẩm phán xác định những vấn đề các bên đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất và yêu cầu các bên đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất
- Thẩm phán kết luận những vấn đề các bên đương sự đã thống nhất và những vấn đề chưa thống nhất.
- Thư ký phiên họp ghi biên bản về diễn biến phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.
2.4. Biên bản phiên họp
Tại Điều 139 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định với nội dung biên bản như sau:
- Ngày, tháng, năm tiến hành phiên họp;
- Địa điểm tiến hành phiên họp;
- Thành phần tham gia phiên họp;
- Ý kiến của các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;
- Nội dung đã được đương sự thống nhất, không thống nhất.
Những người tham gia có quyền đọc biên bản và yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung nếu có sai sót hoặc thiếu thông tin đã đối thoại.
3. Những diễn biến pháp lý diễn ra sau khi đối thoại kết thúc
Nếu các bên đương sự vẫn giữ yêu cầu của mình trong quá trình đối thoại thì Thẩm phán phải tiến hành thủ tục để đưa vụ án ra xét xử tại phiên tòa.
Nếu người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện thì thẩm phán lập biên bản về việc người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện và người khởi kiện được quyền khởi kiện lại vụ án nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.
Nếu đối thoại thành công, tức bên bị kiện rút lại quyết định bị khởi kiện, và người kiện rút đơn kiện thì tòa án lập biên bản về việc cam kết của đương sự.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản, người bị kiện phải gửi cho Tòa án quyết định hành chính mới hoặc thông báo về việc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện phải gửi cho Tòa án văn bản rút đơn khởi kiện. Hết thời hạn này mà một trong các đương sự không thực hiện cam kết của mình thì Thẩm phán tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử vụ án.