Tìm hiểu một số quy định pháp luật về tội buôn lậu
Buôn lậu được hiểu là hành vi buôn bán trái phép hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá, hàng cấm qua biên giới Việt Nam. Pháp luật hình sự Việt Nam quy định như thế nào về tội buôn lậu và các yếu tố cấu thành tội này ra sao?
—————————————————————————————————————
Có thể bạn quan tâm
Một số vụ buôn lậu nổi tiếng ở Việt Nam
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả xâm phạm trật tự quản lí kinh tế
Buôn lậu gì là vi phạm pháp luật?
—————————————————————————————————————
Căn cứ pháp lí
Tội buôn lậu được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 theo đó:
“1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
Các yếu tố cấu thành tội phạm
Mặt khách quan: Người phạm tội có hành vi buôn bán trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài các đối tượng sau đây: Hàng hoá; tiền Việt Nam, ngoại tệ (như USD,…); kim khí quý, đá quý (vàng, bạc, kim cương…)
Đối với cá nhân, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đối tượng buôn lậu có giá trị từ một trăm triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa mọi trường hợp buôn lậu có giá trị dưới một trăm triệu đồng đều có thể tránh khỏi trách nhiệm hình sự. Cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn lậu hoặc một trong các hành vi bao gồm: vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sản xuất, buôn bán hàng cấm; tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; đầu cơ; trốn thuế hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc vật phạm pháp là di vật, cổ vật thì mặc dù buôn lậu dưới một trăm triệu đồng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều này.
Đối với pháp nhân, giới hạn giá trị của đối tượng buôn lậu để xem xét trách nhiệm hình sự là từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc dưới hai trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn lậu hoặc một trong các hành vi: vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; sản xuất, buôn bán hàng cấm; tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; đầu cơ; trốn thuế hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Mặt chủ quan: Người phạm tội buôn lậu thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Tuy nhiên cần lưu ý trong trường hợp phát hiện hành vi vận chuyển hàng hoá, tiền tệ…: nếu nhằm mục đích buôn bán thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu; nếu chỉ vận chuyển để lấy tiền công (chở thuê) thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới.
Khách thể của tội phạm: Hành vi phạm tội buôn lậu xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu.
Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội buôn lậu là bất kỳ cá nhân, pháp nhân nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Hình phạt:
Do chủ thể của tội buôn lậu bao gồm cả cá nhân và pháp nhân, nên hình phạt của tội này cũng gồm hai nhóm hình phạt áp dụng riêng cho hai nhóm chủ thể này.
Đối với cá nhân, hình phạt có thể là phạt tiền hoặc phạt tù với mức thấp nhất là phạt tiền 50.000.000đ hoặc phạt tù 06 tháng và mức cao nhất là phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, cá nhân phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với pháp nhân, hình phạt có thể là phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động với mức thấp nhất là phạt tiền 300.000.000đ và mức cao nhất là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tội buôn lậu xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự quản lí kinh tế, vì vậy cần phải bị trừng trị nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.