Tội cướp tài sản và những điều cần lưu ý
Tội cướp tài sản là một trong các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt được quy định và xét xử theo luật hình sự khá sớm, hiện nay tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133 BLHS 1999. Tuy được quy định và xét xử sớm như vậy nhưng trong lí luận và thực tiễn vẫn còn có sự nhận thức khác nhau về tội phạm này. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tội cướp tài sản.
Căn cứ pháp lí của tội cướp tài sản
Tại Điều 133 BLHS có quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…”
Các dấu hiệu cơ bản của tội phạm
Về chủ thể: một người phạm tội cướp tài sản phải là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định, đó là người từ đủ 14 tuổi trở lên, khi thực hiện hành vi phạm tội người đó không bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình.
Mặt khách quan: Theo quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS thì có ba dạng hành vi đó là hành vi dùng vũ lực có thể là đánh, đấm, đá… sử dụng sức mạnh vật chất để cướp tài sản; hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, tức là hành vi người phạm tội dùng lời nói hoặc hành động đe dọa người bị hại rằng nếu không đưa tài sản sẽ lập tức dùng vũ lực, dấu hiệu “ngay tức khắc” chỉ sự nhanh chóng về mặt thời gian và sự mãnh liệt về hành vi đe dọa, sự đe dọa này làm cho ý chí của người bị đe dọa tê liệt lập tức đưa tài sản cho người phạm tội; hành vi khác làm người tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
Mặt chủ quan: người phạm tội thực hiện hành vi cướp tài sản với mục đích là chiếm đoạt tài sản từ người khác và biết được rằng hành vi của mình là trái pháp luật, biết được hậu quả sẽ xảy ra nhưng vẫn làm đó là đã thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp.
Về khách thể: người phạm tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể đó là cả về nhân thân và quan hệ sở hữu của người bị hại.
Về hình phạt: khi phạm tội cướp tài sản thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến tù chung thân hoặc tử hình tùy vào mức độ vi phạm cũng như hậu quả do hành vi người phạm tội gây ra. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.