Giải đáp thắc mắc tố tụng là gì?
Mục lục
Tố tụng vốn là một phần không thể thiếu trong hệ thống pháp luật của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở mỗi quan hệ pháp luật khác nhau thì thủ tục tố tụng sẽ được thực thi theo một cách thức riêng biệt. Do vậy mà đối với mỗi quan hệ cụ thể sẽ có những quy định khác nhau trong thủ tục tố tụng. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho hầu hết mọi người đều không thể hiểu được tố tụng là gì?
Tố tụng là gì?
Nhìn một cách khái quát có thể xem tố tụng như một bộ phận trong pháp luật. Nó bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội. Những quy phạm này liên quan trực tiếp đến trình tự, thủ tục tranh tụng tại cơ quan có thẩm quyền. Điển hình như các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính,…
Có thể nói thủ tục tố tụng được thực hiện trong nhiều quan hệ pháp luật khác nhau. Nhưng điểm chung vẫn chính là cách thức để giải quyết cho một yêu cầu, một vụ việc,… Những chủ thể có liên quan sẽ căn cứ trên những quy định đó để có thể đi đến kết luận cuối cùng.
Tố tụng gồm những dạng gì?
Về cơ bản, tố tụng sẽ được phân thành 3 hình thức chính, bao gồm: tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và tố tụng hành chính. Mỗi hình thức này đều có những đặc điểm và quy chế áp dụng riêng.
Tố tụng dân sự
Trên cơ sở các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có thể hiểu tố tụng dân sự là trình tự hoạt động do pháp luật quy định. Trình tự này được áp dụng cho việc xem xét, giải quyết vụ án dân sự và thi hành án dân sự.
Mục đích của tố tụng dân sự là sự góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Tố tụng hình sự
Đó là những trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự. Nhiệm vụ của mảng pháp luật này là bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Việc quy định rõ các trình tự, thủ tục trong các giai đoạn tố tụng hình sự nhằm giúp toàn bộ quá trình giải quyết vụ án được diễn ra khách quan, công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan.
Tố tụng hành chính
Những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án hành chính đồng thời là đối tượng điều chỉnh của dạng tố tụng này. Văn bản pháp luật quy định chung nhất trong lĩnh vực này hiện nay là Luật tố tụng hành chính 2015. Nội dung chính là quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.
Luật tố tụng hành chính góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền hành chính quốc gia.